Email được vận chuyển qua các máy chủ (SMTP server), nhưng người nhận muốn xem được nội dung thư hoặc viết một nội dung thư để gửi cho người khác thì cần các ứng dụng gửi thư như (webmail, outlook….) và các ứng dụng này sẽ cần giao thức IMAP và POP3 để thực hiện việc kết nối đến máy chủ thư và tải nội dung thư.

IMAP và POP là hai phương pháp để truy xuất dữ liệu email. Nếu bạn thường xuyên sử dụng email thì các thuật ngữ này sẽ không còn xa lạ nữa. Nhưng để hiểu rõ hơn về 2 giao thức này chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này.

Tìm hiểu về IMAP

IMAP (Internet Message Access Protocol), là giao thức mới hơn so với POP cho phép truy cập email từ nhiều thiết bị khác nhau ở bất kỳ đâu. IMAP thực hiện điều này bằng cách giữ dữ liệu email được lưu trữ trên máy chủ thư. Khi bạn đọc thư email bằng IMAP, bạn không thực sự tải xuống hoặc lưu trữ email trên máy tính của bạn, thay vào đó bạn đang đọc nó từ dịch vụ email. Kết quả là, bạn có thể kiểm tra email của bạn từ các thiết bị khác nhau, bất kỳ đâu trên thế giới bằng điện thoại của bạn hoặc máy tính của bạn.

Các phiên bản của IMAP

IMAP được ra mắt vào năm 1986 bởi Mark Crispin như một giao thức truy cập từ xa, trái ngược với POP được sử dụng rộng rãi, IMAP chỉ đơn giản là lấy nội dung của thư. IMAP đã trải qua một số phiên bản trước version 4rev1 (IMAP4) hiện nay, gồm IMAP ban đầu, IMAP2, IMAP3, IMAP2bis, IMAP4.

IMAP sử dụng 2 cổng để giao tiếp với máy chủ thư là:

  • Port 143: không mã hóa.
  • Port 993: được mã hóa SSL/TLS, cũng có thể gọi là IMAPS.

Cách thức hoạt động của IMAP

  • Mở kết nối với máy chủ thư thông qua port 143 hoặc 993 và duy trì kết nối này cho đến khi người dùng tắt ứng dụng mail, hoặc không thể kết nối được internet nữa.
  • Lấy nội dung do người dùng yêu cầu và lưu vào bộ nhớ đệm trên thiết bị cục bộ, máy tính cá nhân.
  • Xử lý các chỉnh sửa mà người dùng thực hiện như thêm, xóa, sửa, đánh dấu email, soạn thư và trả lời email,…

Ưu điểm của IMAP

IMAP có thể kết nối được nhiều thiết bị cùng 1 tài khoản email, các thay đổi trong thư sẽ được sẽ được đồng bộ lại với tất cả thiết bị đang kết nối, tiết kiệm được dung lượng trên các thiết bị được kết nối

Nhược điểm của IMAP

Cần phải kết nối internet thì mới có thể hoạt động và xem được toàn bộ thư, chậm hơn so với POP3, tốn nhiều dung lượng lưu trữ trên máy chủ thư.

Tìm hiểu về giao thức POP3

POP (Post Office Protocol) – được tạo ra vào năm 1984 – giống như IMAP nhưng POP được ra đời sớm hơn và cũ hơn, nó cũng là một phương tiện tải email từ một máy chủ thư từ xa về và lưu trữ trên máy tính cá nhân (lưu trữ cục bộ).

POP có hai bản sửa đổi bổ sung một số cải tiến: POP2 và POP3 được giới thiệu trong những năm sau đó. Hiện tại, POP3 vẫn là phiên bản hoàn chỉnh mới nhất của giao thức, mặc dù thông thường chúng ta chỉ nhắc tới nó với tên rút ngắn là POP.

Cách thức hoạt động của POP3

  • Mở kết nối đến máy chủ thư qua cổng 110 hoặc 995
  • Sau khi kết nối nó sẽ tải xuống toàn bộ thư về máy khách cấu hình POP3 và lưu trữ cục bộ trên máy tính, về mặc định POP3 sẽ thực hiện tùy chọn xóa bỏ bản sao trên máy chủ thư và ngắt kết nối khỏi máy chủ, chỉ khi có email mới thì nó sẽ mở kết nối lại với Server. Người dùng có thể thực hiện việc này bằng cách định cấu hình cài đặt ứng dụng email để để lại một bản sao của email trên máy chủ.

Ưu điểm của POP3

  • Đơn giản và truy xuất nhanh hơn so với IMAP
  • POP3 rất lý tưởng cho người dùng cần truy cập email của họ ngoại tuyến và sử dụng thiết bị được chỉ định để truy xuất.
  • Tiết kiệm được dung lượng lưu trữ trên máy chủ thư.

Nhược điểm của POP3

  • Thư mục email có thể bị hỏng hoặc bị mất hoàn toàn nếu máy tính cá nhân của bạn dính mã độc hoặc hư hỏng
  • Tốn nhiều không gian tài nguyên của máy cá nhân
  • Không hỗ trợ đồng bộ hóa email trên server, vì email sau khi được tải xuống client sẽ bị xóa khỏi máy chủ.

So sánh IMAP và POP

Với hai giao thức này điều có những lỡi ích và ưu điểm riêng mà người dùng có thể lựa chọn phù hợp cho việc sử dụng của mình, với một số điểm bên dưới sẽ giúp người dùng có thể chọn POP hay IMAP để cấu hình cho việc sử dụng email của mình.

Chọn POP nếu:

  • Chỉ truy cập thư của mình từ một thiết bị duy nhất và không bao giờ có kế hoạch truy cập thư trên một thiết bị khác.
  • Không gian lưu trữ (dung lượng) trên máy chủ thư giới hạn bởi gói đăng ký.
  • Cần truy cập liên tục vào tất cả email của mình.
  • Không thường xuyên có kết nối Internet.
  • Thiết bị sử dụng để tải email về (máy tính hoặc điện thoại) có dung lượng lớn đủ để lưu trữ hết các email trên server.

Chọn IMAP nếu:

  • Muốn truy cập email của mình trên nhiều thiết bị.
  • Muốn quản lý nhất quán email trên mọi thiết bị, kể cả email đã gửi và nhận.
  • Có kết nối internet liên tục và đáng tin cậy.
  • Có không gian lưu trữ trên máy chủ mail đủ lớn.

>>> Tham khảo các gói email doanh nghiệp giá rẻ an toàn và riêng tư tại đây.